8/6/21

Nàng!


Đó là cuối năm 1968, sau nhiều năm lang thang theo chồng sống trong các trại gia binh và sau sự kiện hãi hùng trong trận Tết Mậu Thân, chồng nàng đưa nàng và các con về sống với cha ruột. Sau hơn một năm, vào ngày tết Trung Thu năm 1970, chồng nàng chết tại mặt trận Núi Cấm.

Chồng mất, để lại cho nàng 3 đứa con: Đứa con trai lớn nhất 7 tuổi, hai đứa con gái, đứa 4 tuổi và đứa 2 tuổi. Riêng nàng, chỉ mới 27 tuổi, một phụ nữ xinh đẹp trong vùng đất chiến tranh. Tại đám tang chồng, không chỉ có nàng là vợ, mà còn có một người phụ nữ khác bồng bế đứa con gái khoảng 1 tuổi đến chịu tang. Đó là người phụ nữ mà đứa con trai 7 tuổi của nàng đã từng gặp mặt và được cho một kính mát đen, trong một lần ba nó dẫn nó vào nhà lồng chợ Châu Đốc, trên chuyến về quê nội ở Ba Chúc.

Nàng hoàn toàn hụt hẫng và bế tắc.

Cuộc sống vẫn phải tiếp tục, với sự giúp đỡ của người cha, nàng mở sạp bán quần áo may sẵn tại một chợ nhỏ gần nhà. Thu nhập từ sạp bán quần áo và tiền chu cấp cho "Cô Nhi Quả Phụ và Quốc Gia Nghĩa Tử", khoản tiền mà chính phủ VNCH trả cho vợ và con của lính chết trận, đã giúp nàng vượt qua các khó khăn trong cuộc sống thường ngày.

Sau vài năm, cuộc sống dần dần ổn định, cha nàng một người đàn ông độc thân nhiều năm, quyết định vào sống hẳn trong mảnh đất vườn tược ông bà để lại, cách chợ khoảng 50 phút đi bộ, sau khi ông đi bước nữa với một phụ nữ có ba con. Cậu con trai lớn, lúc này khoảng 10 tuổi, vừa đi học vừa bắt đầu tập tành làm hết nhiều việc trong nhà, và thỉnh thoảng trông non hai đứa em.

Là một phụ nữ xinh đẹp, quanh tuổi 30, nàng không thiếu những người đàn ông theo đuổi, nhất là các nhân viên chính phủ có liên quan đến việc trả tiền "Cô Nhi Quả Phụ và Quốc Gia Nghĩa Tử". Một lần, cậu con trai bắt gặp có một người đàn ông lạ trong nhà, ở tới khuya mà không chịu về. Cậu ta nhất định thức khuya để canh ông ta. Cậu ngồi đó và nhìn vào ông ta, ông ta có vẻ hiểu ý, và ngồi yên. Tuy nhiên, chỉ với 10 tuổi đầu, cậu không thể thức suốt đêm như gã chim chuột đó, cậu đã gục ngã vào giấc ngủ. Cậu nghe văng vẳng bên tai: "Nó ngủ rồi, để anh ẵm nó lên giường!" Và, chắc chắn cậu không biết chuyện gì xảy ra sau đó.

Riêng nàng, nàng đang bước vào những đam mê. Đam mê của chính nàng và đam mê với những hứa hẹn cho con trai nàng sẽ là một thiếu sinh quân, rồi đi Hoa Kỳ du học như một Quốc Gia Nghĩa Tử. Tuy nhiên, xuất thân là một người con gái của đồng ruộng, 19 tuổi theo chồng sống trong các trại gia binh, rồi trở về một thị trấn nhỏ, không kiến thức, nàng không thể hiểu hết những lắc léo của cuộc đời. Vai trò vừa làm mẹ, vừa làm cha đã vượt quá khả năng của nàng.

Cuộc sống cứ dần trôi qua từng ngày êm đềm như vậy, cho đến ngày 30/4/1975. Một sự kiện lớn xảy ra đã làm thay đổi tất cả. Nhiều người đã "chạy" từ Sài Gòn hay vài vùng miền khác về quê, trong đó có cô em gái là một nữ Quân Nhân, và một người anh là lính văn phòng đóng quân ở Sài Gòn. Cô em gái về sống cùng với nàng, có cả chồng cô ta và một đứa con. Người anh cùng với vợ con, vào sống cùng với cha nàng. Nàng thì mất tất cả, không còn những khoản trợ cấp hàng tháng, không còn những gã chim chuột, không còn sạp bán hàng trong chợ, cuộc sống bắt đầu chậc chội và oi bức.

Những khó khăn bắt đầu tạo ra mâu thuẩn, nàng phải dọn ra ở một nơi khác gần đó, với 3 đứa con, vì căn nhà này là của cô em gái nàng mua và đứng tên, để lại cho nàng và người cha sống, lúc nàng mãi sống lang thang theo chồng trong các trại gia binh. Việc chuyển qua chỗ ở mới, đưa nàng trở về con số không, không nghề nghiệp, không vốn liến, nhưng vẫn phải sống, nàng phải tiếp tục bám chợ, mua bán bất kỳ thứ gì có thể để sống và để nuôi con.

Cũng phải kể thêm, trong một lần tranh cãi gì đó với cô em, nàng bị chồng cô ta tấn công, có thể chỉ là một cú đánh hay xô đẩy gì đó, nhưng nàng đã khóc. Cậu con trai chưa từng bao giờ nghe mẹ khóc, nó có hỏi gì đó, nhưng nó không hiểu gì cả, nó cũng không biết nói gì để chia sẻ với nàng. Nàng buồn lắm và cảm thấy thật cô đơn. Có lẻ đây là báo hiệu cho bước đi phiêu lưu mới của nàng, lúc này nàng cũng chỉ mới 32 tuổi.

Một người đàn ông đã để ý nàng vài năm gần đây, ông ta có vợ, nhưng không có con, chỉ có một đứa con nuôi. Ông ta là hiệu trưởng một trường tuổi học nhỏ trong vùng xa. Khó khăn trong cuộc sống và sự cô đơn, thiếu thốn trong tình cảm, nàng đã chấp nhận ông ta. Nàng bồng bột, ngây thơ hay nàng đang thực hiện sự đổi chác, rổ rá cạp lại. Nàng đang tìm đến thứ đam mê khác, không phải là tình yêu. Có thể nàng nghĩ, nếu sự đam mê kéo dài đến hết cuộc đời, đó chính là một tình yêu bất tận.

Người đàn ông có vợ này sống một lúc với hai người đàn bà, khi thì ông ở nhà ông ta với vợ ông ta, khi thì ở nhà nàng. Vợ ông ta cũng có lần gặp nàng, nói gì đó, rồi sau đó không thấy gặp nhau nữa. Cuộc sống cũng không dễ chịu hơn, nhưng với nàng, có một người đàn ông, giúp nàng tự tin và vững dạ hơn. Vài năm sau đó, nàng cũng đã sinh cho ông ta hai đứa con, một gái và một trai. Hai đứa nhỏ này cũng sống hai nơi như ông ta, lúc sống với nàng là mẹ ruột, lúc sống với vợ ông ta.

Đó có phải là kết quả của tình yêu không, trong khi tình yêu thường là ích kỷ và đòi hỏi duy nhất. Nàng cũng không hiểu, nàng chỉ cảm thấy rằng, nàng có một đam mê mãnh liệt của một người đàn bà khát khao sống vì những đứa con của nàng, khao khát yêu và được yêu. Vì vậy, nàng không đòi hỏi duy nhất và chấp nhận mọi thua thiệt, nếu nó đến với nàng. Có lẽ nàng ngộ nhận, có ai đó nói, chỉ có tình yêu mới lâu dài và đi với ta suốt cuộc đời, đam mê chỉ đến nhất thời và để lại hậu quả. Câu nói đó đúng trong hoàn cảnh của nàng, nàng không có tình yêu, nàng cần sự chở che cho nàng và cho các con của nàng.

Đứa con trai lớn của nàng, lúc này đã học cấp 3, cũng không thù ghét gì mối quan hệ đó. Cậu cũng ra vào nhà ông ta, gọi vợ ông ta là thím, mẹ ông ta là nội, và làm vài công việc đồng án cùng gia đình ông ta, xem như buổi học lao động trong trường. Hằng ngày nó phụ giúp ép nước mía bán tại chợ, nơi mà công việc bán quần áo may sẵn của nàng không còn được phép nữa.

Cuộc sống không dễ, cái nghèo và khó khăn cứ đeo bám theo nàng, nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Các con nàng cũng lớn dần trong hoàn cảnh khó khăn đó, đứa nào thoát khỏi gia đình được, nó nhảy. Cậu con trai ham học, đỗ đại học ở Sài Gòn, trong thời bao cấp, được nhà nước nuôi có cái ăn, chỗ ở. Cậu nhảy! Thật ra cậu không có sự lựa chọn, và cũng không có khả năng lựa chọn khác hơn.

Mối quan hệ tình cảm nhiều khía cạnh trong gia đình nàng có lúc thăng, lúc trầm, và cuối cùng ông sống mặc ông, nàng sống mặc nàng. Nàng và ông tránh gặp mặt nhau, nhưng hai đứa con của nàng và ông, giờ đã lớn, thì vẫn ở nhà nàng vài ngày, nhà ông vài ngày. Những đứa trẻ bây giờ là cầu nối giữa nàng và ông.

Sau khi tốt nghiệp đại học cùng với vài năm lăn lộn trong các viện nghiên cứu ở Sài Gòn, cậu con trai vào làm việc cho một công ty phần mềm. Rồi cuộc sống của cậu bắt đầu khấm khá lên từ đó, cùng với sự đổi thay của đất nước, nhiều cởi trói trong làm ăn kinh tế và đầu tư nước ngoài, cuộc sống của nàng cũng đỡ vất vả hơn.

Cậu con trai có ý muốn đưa nàng lên sống chung với gia đình cậu ta ở Sài Gòn, nàng cũng lên ở với cậu, nhưng được vài tuần, nàng nhớ quê rồi lại về. Cậu con trai không hiểu được những suy nghĩ và cảm xúc của nàng, cậu đoán, có thể mẹ chồng khó sống với nàng dâu trong chính ngôi nhà của con mình. Vì vậy, cậu mua riêng một căn nhà cho nàng ở Sài Gòn, để cậu có thể thường xuyên tới thăm nom. Nàng lên sống vài tháng, rồi cũng thấy buồn quá, lại nói với con về quê sống. Rất thương mẹ nhưng cậu không biết cách nào khác hơn, cậu phải chấp nhận để mẹ sống ở quê.

Cậu không thể hiểu mẹ cậu, và mẹ cậu cũng không có cách nào cho cậu hiểu cái gì nàng muốn và mong chờ. Ở cái tuổi quá 60, nàng thiếu mọi yếu tố để bắt đầu lại cuộc sống tại một nơi xa lạ, nếu không có người thân sống cùng với nàng. Trong sâu thẩm, nàng không thể bắt đầu tự tạo cuộc sống mới một mình, cái nàng cần là một mgười mà nàng có thể chia sẻ những cảm xúc, người đó lo cho nàng, sống với nàng, hủ hỉ những lời yêu thương. Cậu con trai không thể nào làm được như vậy, cậu còn phải lo cho gia đình cậu, cũng như những mối quan hệ khác trong công việc. Giờ đây, khi chính cậu bước vào tuổi 60, cậu bắt đầu hiểu mẹ cậu, hiểu những suy nghĩ thầm kín của những người cô đơn tuổi 60. Nhưng mẹ cậu đã không còn nữa. Cuộc đời thật trớ trêu, lúc nào nó cũng cho người ta một nhận thức muộn màn.

Khi về quê được vài năm, nàng bắt đầu có dấu hiệu của căn bệnh mất trí nhớ. Căn bệnh tiến triển từ từ cho đến khi nàng không còn nhớ về hiện tại, những việc vừa xảy ra, chỉ nhớ và nói chuyện về quá khứ nhất là thời con gái. 

Cậu con trai quyết định đưa mẹ về sống chung và cũng để lo chữa bệnh cho nàng. Lúc này nàng không đòi về quê nữa, vì đã không còn nhớ tên của nó. Nàng không gọi cậu con trai bằng cái tên do nàng đặt, mà cứ kêu cậu là "anh Lâm", tên của ba cậu. Ngồi trong căn phòng nhỏ trên lầu, khi thì nhìn cậu, khi thì nhìn ra bầu trời xa xăm, thẩn thờ lảm nhảm về thời tuổi con gái, về ba của cậu. Có lẽ đó là những thứ cuối cùng nàng yêu thương nhất. Có người nói, đứa con trai trưởng là người yêu kiếp trước của mẹ nó. Có vẻ, câu nói đó đúng trong câu chuyện của nàng. Khoảng một năm sau, nàng mất trong vòng tay yêu thương của cậu.

1 nhận xét :

Van Huynh nói...

Đọc đi đọc lại. Thương mẹ và anh