29/6/16

Đêm Giữa Ban Ngày - Vũ Thư Hiên


Cuốn sách viết về đời một người tù. Nếu chỉ có vậy thì chẳng đáng nói nhiều. Ðã có nhiều cuốn sách về đề tài ấy.

Ðây là cuốn sách của một người am hiểu chủ nghĩa Mác, tuy không phải là đảng viên cộng sản, nhưng từng tin yêu rất mực Bác Hồ. "Bỗng dưng" bị các đồng chí của chính mình tống vào tù.

Chẳng có xét xử, chẳng có phiên toà, ấy vậy mà Vũ Thư Hiên ở tù gần chín năm, hơn 3200 ngày đêm với những tháng dài bị nằm trong xà lim, bị cùm hai chân. Vũ Thư Hiên được đảng của mình thương yêu cho nếm mùi "tập trung cải tạo".

Sự thật là gì? Tập trung cải tạo là trại giam độc ác, thiêu huỷ con người. Nếu ở Nga là Kulag, ở Trung hoa là Lao Cai (lao cải, cải tạo lao động, từng được Harry Wu đưa ra ánh sáng), thì ở VN là tập trung cải tạo.

Ðây là một nhân chứng loại nặng ký của vụ án "Chống đảng, xét lại, làm gián điệp cho nước ngoài" xảy ra từ giữa những năm 1960, bao gồm gần 40 vị, trong đó có bốn uỷ viên trung ương đảng, 1 bộ trưởng ngoại giao, các viện trưởng vụ trưởng, nhà báo nhà văn, ...

Họ có tội gì? Và cho đến nay vẫn chưa ai hiểu là họ có tội gì? Cái tội của họ nằm trong sự hoang tưởng của kẻ cầm quyền độc đoán lắm âm mưu, luôn có mặc cảm về tội ác của chính mình, rồi lo sợ, tưởng tượng ra một mưu đồ lật đổ nào đó!

Cho đến nay những người lãnh đạo đảng vẫn một mực giữ kết luận cũ: trong vụ này, đảng luôn đúng, chẳng có gì cần xem xét hay kết luận lại cả. Tất cả đều đã cúi đầu nhận tội. Nay chẳng qua là họ lợi dụng đổi mới để lật án!

Hoàng Minh Chính đã lên tiếng; ông bà Vũ Đình Huỳnh (thân phụ và thân mẫu của Vũ Thư Hiên) đã kêu to niềm oan và ức; Ông Trần Thư đã công bố hồi ký; bà quả phụ Ðặng Kim Giang, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (vợ nhà báo Phạm Viết chết trong tù) đã thét lên nỗi đau khổ; Nhà văn hoá Hoàng Tiến đã cất lên lời phẫn nộ; Ông Nguyễn Minh Cần nguyên là phó bí thư thành uỷ cộng sản thủ đô Hà nội hiện ở Paris đã kể về đầu đuôi vụ án. Ðặc biệt ông Nguyễn Trung Thành, cánh tay sắt của an ninh, nguyên trưởng ban bảo vệ chính trị trung ương đảng đã phản tỉnh đòi xem xét lại toàn bộ vụ án phi lý và phi pháp này (ông đã bị đuổi ra khỏi đảng và đang bị quản thúc chặt). Và nay Vũ Thư Hiên lên tiếng.

Cuốn hồi ký viết khá công phu, vất vả. Viết lén ở Hà Nội; viết đến đâu dấu đến đấy ở Sài Gòn; Viết rồi bị cướp đi gần trăm trang bản thảo ở Moscou; vừa viết vừa có người canh phòng ở Varsovie; chương cuối mới được yên tĩnh viết bên dòng sông Seine (Paris).

Cuốn sách ra đời chậm. Nhưng lại đúng lúc. Ðể đẩy tới đà đổi mới ở trong nước. Khi ở trong và ngoài nước đã ít nhiều biết đến vụ án phi lý này. Ðây là gót chân Achille của chính quyền độc đoán và độc ác. Tác giả viết nó với tâm trạng rất thiền. Không cay cú, không giận dữ. Cứ nhẹ nhàng, chậm rãi, tỉnh khô, đôi khi mỉm cười, thêm thắt ý vị bông lơn cười cợt. Và lấy sự thật làm đầu. Do đó cuốn sách khá là nặng, với ý nghĩa tải sự thật và lên án cái ác.

Bùi Tín. Paris 3.1997.

Trích dẫn từ lời tác giả

Quá khứ sẽ chẳng có ích cho ai bởi sự hồi tưởng đơn thuần. Quá khứ chỉ có ích khi con người lấy nó làm cái để mà suy ngẫm, rút ra từ trong lòng những sự kiện của nó bài học cho tương lai.

Cuốn sách này không phải là lời lên án một xã hội nay mai sẽ trôi vào quá khứ.

Tôi không dám đặt cho mình mục đích buộc tội. Chỉ vì lịch sử thường có sự lặp lại, cho nên tôi muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Tôi cũng không thể đóng vai người buộc tội được bởi trong xã hội mà tôi sống tôi không đơn thuần là nạn nhân. Về mặt nào đó, trong chừng mực nào đó, tôi còn là thủ phạm.

Tôi viết vì tôi không thể không nói lên tiếng nói của mình. Tôi quan niệm kẻ không dám nói "không" trước tội ác là kẻ đồng lõa với tội ác.

Và sau hết, theo cách biểu đạt của nhà văn Nga Prishvine, tôi chỉ là "một cái lá trong hàng triệu cái lá của cây đời, và nói về một cái lá thì cũng là nói về những cái lá khác". Số phận tôi được nói đến trong cuốn sách này cũng là số phận của nhiều người cùng thế hệ.

Xin hãy coi cuốn sách này là lời sám hối trước đồng bào của cha tôi nay đã không còn. Nó được thực hiện theo lời trăn trối của Người.

Cuốn sách còn là một vòng hoa muộn, một nén hương thêm đặt lên mồ những nạn nhân xấu số của một thời kỳ đen tối, những con người bất hạnh đã không chờ được đến ngày cuộc đời lập lại lẽ công bằng cho họ.


Vài trích dẫn trong tự truyện này:

Nhân dân bị phản bội. Đó là điều không cần phải chứng minh. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã thành công rực rỡ trong sự thay thế những ông chủ da trắng bằng những ông chủ da vàng. Cái khác là cách cai trị của những ông chủ mới tinh tế hơn những ông chủ cũ nhiều. Mọi sự bóc lột, đè nén giờ đây được tiến hành trong tiếng kèn hoan hỉ ngợi ca cuộc đời mới, trong cờ xí rợp trời, trong ánh lấp lánh của vàng mạ phủ lên mọi tối tăm, tủi nhục, tiếng rìu đao phủ chìm nghỉm trong khúc quân hành, và đám đông bị mê mẩn bởi những lời cổ vũ hùng hồn rầm rập kéo nhau đi tới miền đất hứa ở tít mù tầm mắt, không nhận thấy máu đồng bào nhơm nhớp dưới chân mình.

Tôi đã đi trong đám đông bị thôi miên, trong cuộc lên đồng vĩ đại. (218)

Cái chế độ làm cho con người hèn đi không thể là chế độ xứng đáng với con người.

Con người cần phải được sống trong tư thế đứng thẳng, đầu ngẩng

Lời thú nhận của người bạn tự nhận là hèn nhát cho tôi thấy chúng tôi không đơn độc. Nhà cầm quyền có thể làm cho người ta sợ, nhưng không thể làm cho người ta vì sợ hãi mà yêu họ. Chẳng có tình yêu nào bắt nguồn từ sợ hãi.

Không hề có “cuộc đấu tranh giữa hai đường lối” ở nước ta, tôi nghĩ. Về thực chất nó là cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác, giữa cái đẹp và cái Xấu, giữa ý muốn đề cao Con Người và mưu toan hạ thấp Con Người, đẩy con người xuống hàng trâu ngựa, hàng robot, hàng “cái đinh ốc không rỉ của cách mạng”. (249)

Nhưng lịch sử có trí nhớ. Nếu lịch sử đánh mất trí nhớ, nó không còn là lịch sử. Một chế độ muốn coi là mới, hoặc đổi mới, nghĩa là khác trước, thì nó phải thanh toán sòng phẳng với quá khứ để bước vào tương lai. Nhân dân đòi chính quyền đổi mới phải giải quyết những án oan tồn đọng, không phải nhằm thanh toán món nợ cũ, mà để khẳng định thêm một lần rằng từ nay những sự việc tương tự sẽ không bao giờ được lặp lại. (266)

Nguồn gốc của người cộng sản Việt Nam


Được trực tiếp gặp gỡ các nhà cách mạng Việt Nam, được quan sát họ ở khoảng cách gần, tôi hiểu họ là ai. Phần nhiều họ là những người yêu nước, xuất thân từ những tầng lớp trung lưu và dưới trung lưu, do ý thức được thân phận nô lệ mà theo chân các nghĩa sĩ Cần vương, đông kinh Nghĩa thục và sau khi những phong trào phục hồi nền quân chủ thất bại thì họ theo những người cách mạng lớp đàn em có xu hướng chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn và chủ nghĩa cộng sản. Nói riêng những người sau này là đảng viên cộng sản thì trước khi vào đảng cộng sản, họ là thành viên của các tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, Tân Việt cách mạng đảng, An Nam Cộng sản đảng, đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Kiến thức học đường của họ gồm có một chút chữ Hán, một chút quốc ngữ, cả hai chút này không đủ dùng cho sự tiếp cận triết học phương Tây, mà chủ nghĩa Marx lại bắt nguồn từ đó, với phép biện chứng Hegel làm cơ sở. Những tác phẩm chính bản của Marx và Engels chưa từng tới Việt Nam trong thời kỳ thuộc Pháp. Những người có học nhất trong những nhà được gọi là mác-xít ở Việt Nam chỉ được tiếp xúc với chủ nghĩa Marx qua những cuốn giáo trình nhập môn. Lác đác có vài người được đọc dăm ba cuốn khảo cứu nghiêm túc bằng tiếng Pháp. Trường Chinh là một trong những người hiếm hoi đó.

Chủ nghĩa Marx thường được nói tới ở Việt Nam thực chất là chủ nghĩa Lenin, hay là chủ nghĩa Marx theo cách diễn dịch của Lenin, tước bỏ phần khoa học (nghiên cứu về hàng hóa trong chủ nghĩa tư bản, về giá trị và giá trị thặng dư), nhấn mạnh khía cạnh cách mạng bạo lực, đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Những khía cạnh này không được đảng nói tới nhiều trong thời kỳ bí mật. điều này dễ hiểu. Vào thời kỳ đó đảng chỉ nói nhiều tới đấu tranh phản đế, giành độc lập. Cướp được chính quyền rồi, thiết lập nhà nước Cộng hòa Dân chủ rồi, bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp rồi người ta cũng chưa nói tới. Chỉ sau khi đã ăn sống nuốt tươi chủ nghĩa Mao người ta mới nhấn mạnh đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản.

Chủ nghĩa Lenin là do Stalin đặt ra, từ léninisme là do Stalin dùng đầu tiên, để trình bày không phải tư tưởng của Marx về thủ tiêu chủ nghĩa tư bản và xây dựng xã hội cộng sản, mà là quan ñiểm của Stalin về những vấn ñề này, cho nên gọi là chủ nghĩa Stalin mới ñúng. Những nhà nghiên cứu chủ nghĩa Marx ở Việt Nam chỉ được tiếp xúc với những ấn phẩm do Liên Xô cung cấp. Những trước tác thời Marx trẻ ít được biết đến. Nguyên do là chúng không được giới học giả Liên Xô quan tâm, hoặc giả họ biết đấy nhưng không dám nêu lên những luận điểm yêu tự do ngỗ ngược của Marx, là những cái không hợp ý Stalin. Hậu quả là những nhà nghiên cứu đàn em ở Việt Nam không có sách để mà đọc. Trong Marx có hai con người, Marx trẻ và Marx già. Marx trẻ là người dân chủ và thực tiễn, Marx già thiên về tư biện, mà là tư biện khiên cưỡng, ý muốn thuyết phục đi trước sự lý giải cần.

Cả hai cái đó - chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin hiểu đúng và hiểu không đúng, đều không phải là chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Ở Việt Nam có một chủ nghĩa cộng sản không dính dáng gì tới Marx hoặc Lenin hết. Nó là chủ nghĩa cộng sản bình dân. Nó kêu gọi đấu tranh cho một xã hội không có người bóc lột người, một cuộc sống tự do, công bằng và hạnh phúc, một địa cầu không biên giới.

Đó chính là chủ nghĩa cộng sản mà cha mẹ tôi theo, là cái mà ông bà muốn trao lại cho chúng tôi. Chủ nghĩa cộng sản, với nội dung này, cho dù còn giữ tên gọi cũ hay mang tên mới trong tương lai, theo tôi nghĩ, sẽ mãi mãi còn với loài người. Với tư cách một ước mơ. Không hơn. Chính chủ nghĩa Marx dung tục và thô thiển, chứ không phải chủ nghĩa Marx hàn lâm hoặc chủ nghĩa Marx cường đạo, mới là cái hữu ích cho phong trào giải phóng dân tộc. Hấp lực của nó vô cùng mạnh mẽ. Có người nô lệ yêu nước nào lại từ chối một viễn cảnh huy hoàng như thế? Vào thời cha mẹ tôi phần lớn những người cách mạng đều tự hào nhận mình là cộng sản. Chính sự lầm lẫn này về sau đã sinh ra một nghịch lý: những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam thường tỏ ra là những chiến sĩ tài ba khi họ ít được học chủ nghĩa Marx, còn khi bập bõm chủ nghĩa Marx rồi thì họ lại sa vào hết sai lầm này tới sai lầm khác.

Giữa hai cha con tôi đôi khi cũng có những cuộc trò chuyện về lý thuyết cách mạng. Cha tôi bộc bạch rằng trong công tác bí mật bề bộn, vừa phải lẩn trốn địch vừa vận động quần chúng, tổ chức và chắp nối các cơ sở cách mạng (là công việc chính trong hoạt động của ông), ông chưa bao giờ ó thời giờ đọc hết một tác phẩm nào của Marx hoặc Engels. Ông chỉ bắt đầu đọc Marx sau khi hòa bình lập lại, gần một phần tư thế kỷ sau khi vào đảng cộng sản. đọc một cách vất vả. “Những cuốn sách quá khó hiểu đối với bố, ông nói. Bố ít học, lại không có năng khiếu về triết. Xét cho cùng, bố chỉ có thể là con kiến thợ của cách mạng mà thôi. Cho nên thế hệ các con có điều kiện để nghiên cứu thì ráng nghiên cứu cho kỹ các lý thuyết xã hội học. Lý thuyết là lý thuyết, nó không bao giờ thay thế được thực tiễn, nhưng không thể bỏ qua không nghiên cứu những gì các thế hệ đi trước nếu không muốn sa vào những sai lầm lẽ ra có thể tránh được”.

Người giảng cho cha tôi nghe về triết học mác-xít là Trần đức. Ông thường đến ăn cơm với cha tôi, bộ quần áo nhàu nát nhiều ngày không giặt và bốc mùi, say sưa nói về những vấn đề thuộc những tầng trời xa lắc. Xong bữa, ông mới chiếu cố bước xuống cõi trần, giải thích cho cha tôi những khái niệm trừu tượng của học thuyết Marx, thỉnh thoảng lại chêm vào những lời bình chướng tai đối với tư tưởng chính thống đang ngự trị trong đảng cộng sản. Cha tôi chăm chú nghe, chỗ nào chưa hiểu, ông hỏi lại. Cha tôi kém hiểu biết, nhưng ông không giáo điều. Ông thường lấy hình ảnh con ngựa nhà đòn, với hai miếng da che mắt, chỉ nhìn thấy một đường để khuyên chúng tôi không được nhìn một chiều, nghe một tiếng.

Tôi hiểu các nhà lãnh đạo qua cha tôi. Phần lớn họ thuộc thế hệ cha tôi, trạc tuổi cha tôi. Họ có tiểu sử na ná như nhau, tất cả đều là những người yêu nước trước khi thành cộng sản. Họ nhập vào hàng ngũ cộng sản mà không hiểu chủ nghĩa cộng sản là gì. Chỉ cần biết chủ nghĩa cộng sản hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho công cuộc giải phóng dân tộc là đủ. Trong đám đồng chí của mình, cha tôi thuộc số ít những người tương đối có học, vậy mà ông còn phải thú nhận sự dốt nát của ông về học thuyết cộng sản. đủ thấy những người kia cũng chẳng hiểu biết hơn ông bao nhiêu, nếu như trời không phú cho cho họ trí thông minh lớn hơn. Bi kịch xảy ra cho cha tôi bắt nguồn từ đây - do ý thức được sự dốt nát của mình, ông chịu khó đọc, chịu khó học, để rồi kiến thức mà ông thu lượm được cuối cùng lại tách ông khỏi những đồng chí tự thị. (286-288)

Vẫn tiếp tục che đậy: sự sợ hãi của đảng


Riêng việc cho đến tận bây giờ những người lãnh đạo đảng cộng sản vẫn còn phải dài lời biện bạch về một vụ bắt bớ xảy ra ba chục năm trước đủ thấy họ lúng túng tới mức nào trước dư luận xã hội. Những người lãnh đạo đảng còn phải biện bạch còn chán, chừng nào họ còn ngồi được trên ghế của mình mà biện bạch. Tôi dùng từ “họ” ở đây để chỉ lớp đệ tử đã dây máu ăn phần trong quá khứ, lớp lãnh đạo mới lên run rẩy trước viễn cảnh bị tước đoạt địa vị ăn trên ngồi trốc vừa kiếm được. đó là lớp trợ thủ và hậu bị đang kế tục sự nghiệp của những kẻ chủ mưu vụ đảo chính thật, thủ phạm chính của vụ trấn phản tàn bạo mở đầu năm 1967, chứ không phải chính những kẻ đó, nay đã chết rồi.

Họ sợ vụ án bị xới lên sẽ dẫn tới thắng lợi của xu hướng dân chủ pháp trị, tới sự cáo chung không tránh khỏi của nền độc tài đảng trị.

Nhà cầm quyền hiện tại rêu rao rằng những người bị bắt sở dĩ có lập trường đối lập với đảng là do bất mãn, công thần, do đòi hỏi hưởng thụ. Một sự bịp bợm trắng trợn.

Sự thật là: làn sóng chống đối đã hình thành một cách tự phát, từ bản năng bị đè nén, từ nhân phẩm bị chà đạp.

Đó chính là sự vùng lên của con người tự trọng đòi quyền sống, quyền làm người. (325)


Đêm Giữa Ban Ngày PDF

Không có nhận xét nào :