12/11/22

VnIndex, Thực Tại và "Điểm Sáng"


Doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt - Ổn định giữa nhiều bất định

1. VnIndex và Thực tại

Thị trường Chứng khoán Việt Nam đã giảm 31,3% điểm số kể từ đầu năm, một mức giảm rất đau thương sau thời kỳ huy hoàng đã qua. Tuy nhiên, mọi thứ rồi sẽ ổn thỏa. Bản chất thị trường vẫn là chu kỳ tăng, giảm đan xen. Vậy nên, em nghĩ rằng giai đoạn này thay vì chúng ta để tâm trạng chán chường vây lấy mình mỗi ngày. Thì cùng chậm lại nhìn về những “điểm sáng”, đánh giá cổ phiếu nào đang khỏe hơn thị trường chung và có tiềm lực nội tại vững mạnh với mức P/E đã chiết khấu về quá rẻ như hiện nay.

Lại xoay thêm một góc nhìn khác để nhìn về mức độ tâm lý Nhà đầu tư. Với riêng diễn biến của TTCK trong tháng 9 và tháng 10 cho thấy tâm lý Nhà đầu tư đã xuống mức rất thấp trước các sự kiện “thiên nga đen” trong nước và khả năng thị trường đã rơi vào trạng thái quá bán. Thông thường tâm lý bi quan thái quá có thể là một chỉ báo gợi ý thị trường sẽ có các nhịp hồi phục tạm thời sau đó. Vậy nên, em nghĩ rằng chúng ta cần có sự chuẩn bị trong hiện tại cho những cơ hội tốt có thể xuất hiện ở tương lai.

Nhìn chung, thị trường có thể bước đầu vào giai đoạn chạm đáy và quá trình này lúc nào cũng cần thời gian để chữa lành tổn thương sau đợt giảm sâu. Trong giai đoạn này thị trường sẽ ghi nhận sự biến động và trạng thái giằng co và trong lịch sử thường chứng kiến việc các NĐT có khả năng chịu đựng rủi ro cao và thời hạn đầu tư đủ dài sẽ tận dụng biến động để dần giải ngân do triển vọng tăng trở lại của thị trường trong dài hạn là rất lớn. Nhìn vào xu hướng của dòng vốn vào cổ phiếu trên quy mô toàn cầu và cả ở Việt Nam chúng ta cũng nhìn thấy điểm tích cực ủng hộ cho quan điểm này.

P/E VN-INDEX về mức thấp nhất của năm 2020 và đứng thứ 5 Châu Á



2. "Điểm sáng" của Thực tại

Các doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền nhất trên sàn Chứng khoán


Theo dữ liệu thống kê, vị trí "ông vua tiền mặt" trên sàn chứng khoán thuộc về Tập đoàn Hoà Phát (HPG) với số dư tiền và tiền gửi ngân hàng tại thời điểm 30/6/2022 đạt gần 44.770 tỷ đồng; tăng 4.000 tỷ so với đầu năm. Tuy có sự sụt giảm đôi chút so với cuối quý 1/2022, giảm 1.500 tỷ đồng, tiền mặt của HPG vẫn là một con số "khổng lồ".

Lãi từ tiền gửi hàng trăm tỷ đồng


Thực tế, tiền mặt luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Do đó, việc sở hữu lượng tiền mặt "khủng" không chỉ giúp đảm bảo tính thanh khoản giảm rủi ro tài chính, trang trải các chi phí hoạt động, xử lý những tình huống khẩn cấp, mà còn giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội để mở rộng đầu tư. Bên cạnh đó, tiền lãi từ gửi ngân hàng cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Lượng tiền mặt lớn sẽ giúp các doanh nghiệp lớn có nhiều cơ hội để mở rộng đầu tư, M&A hay làm vốn đối ứng để vay vốn cho các dự án trọng điểm. Trong bối cảnh lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại, việc duy trì được dòng tiền và cân đối tài chính sẽ giúp các doanh nghiệp giảm áp lực chi phí lãi vay, qua đó duy trì được biên lợi nhuận.

Điểm qua một số cổ phiếu “giàu tiền mặt” hiện đang khỏe trên sàn

- VNM – Tiềm lực tài chính mạnh và tỷ lệ cổ tức cao

Thị trường chứng khoán biến động không thuận lợi đã kéo theo nhiều Bluechips xuống đáy dài hạn. Dù vậy, vẫn có những điểm sáng ngược dòng trong đó nổi bật phải kể đến cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Cổ phiếu này đã tăng 18% qua đó trở thành trụ đỡ đóng góp lớn nhất vào VN-Index trong 1 tháng trở lại đây.

Một trong những yếu tố hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu đầu ngành sữa là sự trở lại của khối ngoại. Với giao dịch tích cực trong tuần đầu tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã nối dài chuỗi mua ròng trên VNM lên 5 tháng liên tiếp với tổng giá trị hơn 2.100 tỷ đồng.


Đây là một tín hiệu lạc quan đối với VNM khi năm 2021 cổ phiếu này còn nằm trong top bị khối ngoại bán ròng mạnh. Động thái quay trở lại mua ròng của Nhà đầu tư nước ngoài phần nào cho thấy sức hấp dẫn của doanh nghiệp đầu ngành sữa trong bối cảnh xu hướng đầu tư dài hạn trên các cổ phiếu cơ bản lên ngôi sau khi làn sóng đầu cơ rút đi.

Thực tế, Vinamilk là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức cao hàng năm. Trong suốt gần 17 năm niêm yết, chưa năm nào doanh nghiệp này không chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Tỷ lệ chi trả cổ tức những năm gần đây thường xuyên duy trì từ 40-60%. Đây là con số cao so với các công ty khác trên thị trường, cho thấy hiệu quả kinh doanh và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp này.

- GAS – Sức sống mới cho ngành Dầu khí

GAS cũng là một điểm sáng trong giai đoạn bất ổn nhờ có số dư tiền mặt ròng lớn (14.100 đồng/cp) và vị thế vượt trội trong lĩnh vực phân phối khí.

Tiến độ kho cảng LNG Thị Vải có thể bị trì hoãn do giá LNG tăng cao Dù dự kiến hoàn thành xây dựng trong Q4/22, hoạt động của kho cảng LNG Thị Vải có thể bị trì hoãn do cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay). Do đó, kỳ vọng GAS có thể bắt đầu cung cấp LNG từ nửa cuối năm 2023 thay vì cuối năm nay. Nhìn chung, dự báo sản lượng khí khô của GAS năm 2022 sẽ phục hồi 9,9% svck từ mức thấp của năm 2021, sau đó đạt tốc độ tăng trưởng kép là 7,2% trong năm 2023-24.

Đại dự án khí Lô B với vốn đầu tư dự kiến 10 tỷ USD được kỳ vọng sẽ hồi sinh ngành dịch vụ Thăm dò và Khai thác, đem lại sức sống mới cho cả ngành Dầu khí. Theo đánh giá của các CTCK các doanh nghiệp sẽ được hưởng từ Lô B là PVS, PVD, GAS. Các chuyên gia trong ngành cho rằng dự án Lô B sẽ được phê duyệt quyết định FID sớm nhất vào quý 4/2022. Do dự án hạ nguồn trọng điểm của dự án Lô B - nhà máy nhiệt điện khí Ô Môn III, đã được phê duyệt đầu tư vào đầu tháng 8/2022.


Ước tính rằng khi lãi suất tăng mỗi 1%, GAS có thể ghi nhận thêm 224 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương 1,2% lợi nhuận trước thuế. Do đó, môi trường lãi suất tăng có thể đem lại lợi ích cho GAS trong ngắn hạn, hỗ trợ cho KQKD của công ty. Hơn nữa, việc giá bán khí được tính theo đồng USD có thể giúp GAS bù đắp hoàn toàn cho khoản lỗ tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ vốn lưu động bằng USD.

- HPG – Top 1 chưa hẳn đã hoàn hảo

Quý 3 vừa qua, Hòa Phát gây bất ngờ với khoản lỗ hơn 1.700 tỷ đồng. Đặt trong bối cảnh “thê thảm” của ngành thép thì con số lỗ của doanh nghiệp số 1 cũng không là điều khác biệt và ở góc nhìn lạc quan, tình hình thị trường có thể tạo cho doanh nghiệp “nhiều tiền” này cơ hội tăng thị phần.

Có thể thấy, thị phần của Hòa Phát đã được mở rộng trong 6 tháng 2022 và vẫn tiếp tục duy trì trong Quý III/2022 ở mức 36% đối với thép xây dựng và 29% đối với ống thép. Trong khi tổng sản lượng thép xây dựng của toàn ngành thép Việt Nam chỉ tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thép xây dựng của Hòa Phát vẫn tăng 24%. Đặc biệt sản lượng HRC, ống thép của Tập đoàn vẫn tăng tương ứng 5% và 16% trong khi sản lượng thị trường cho hai loại sản phẩm này giảm tương ứng 12% và 4%.

=> Lượng tiền mặt lớn lúc này giúp Hòa Phát ứng phó với tình hình thanh khoản hiện tại và chuẩn bị đầu tư cho dự án Dung Quất 2. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, những thông tin bên lề và KQKD chưa tích cực của quý 3 đang phản ánh mạnh vào giá trong ngắn hạn. NĐT cân nhắc giải ngân HPG với tỷ trọng thấp, tích sản cho mục tiêu dài hạn.

-----------------------------------------------------------------------------

Và đó là cập nhật trong bài viết lần này em gửi đến Qúy Nhà đầu tư. Mong rằng, trong giai đoạn khó khăn hiện tại Qúy Nhà đầu tư vẫn luôn giữ được một sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái!

Sáng nay đi bộ loanh quanh công viên chỗ làm, em mới nhận ra mấy cái cây bên đường đã rơi hết lá vàng. Những mầm non lại đâm chồi. Mùa Đông đến rồi, và Xuân cũng sắp về. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Mọi nỗi đau rồi sẽ qua đi. Kinh nghiệm và sự kiên cường của hôm nay sẽ là vũ khí dành cho những cơn đại sóng phía tương lai!

Mọi thông tin về điểm mua, điểm bán, cũng như thông tin thêm về các mã khác trên sàn. Quý Nhà đầu tư liên hệ trực tiếp số điện thoại 0931109798 để được giải đáp và hỗ trợ ạ.

Chúc Quý Nhà đầu tư sức khỏe và thành công!

Trân trọng,

"Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thỏa mãn" - Sir John Templeton

Không có nhận xét nào :