11/8/13

Giải quyết khiếu nại trời ơi của Thi hành án dân sự TP. HCM


Phạm Huy

Viết tiếp vụ án xuyên thế kỷ về nhà số 3 Lam Sơn, Q.Phú nhuận, TP.HCM

Nhân danh ai cưỡng chế… để bán nhà?
Nhiều uẩn khúc chưa rõ cần CQĐT vào cuộc

Như trên báo XD&PL số ra ngày 20/4 đã đưa, vụ án xuyên thế kỷ về tranh chấp đòi nhà số 3 Lam Sơn, TP.HCM đã biến bà Trần Thị Hoàng Mai trở thành người bị hại, mất nhà, mất cả tiền, lẽo đẽo đội đơn kêu oan suốt 10 năm trời. Qua tài liệu mà XD&PL có được, để xảy ra tình trạng trên chính là cách làm vội vã tùy tiện của việc tổ chức thi hành bản án số 319/DSPT của cơ quan Thi hành án dân sự TP.HCM.

Theo phán quyết của Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM trong bản án này thì bà Trần Thị Hoàng Mai là người mua nhà ngay tình. Toà tuyên huỷ việc mua bán nên bà được nhận lại toàn bộ số tiền đã thanh toán cho việc mua nhà, đồng thời được đền bù phần chênh lệch theo thời giá, tổng cộng trên 1.942,5 lượng vàng. Trong đó, gia đình ông Quế (Trầm) có trách nhiệm trả 119,1 lượng, ông Mừng cùng các thừa kế có trách nhiệm trả 1.833,49 lượng.

Tuy nhiên, cho đến nay đã hơn 2 năm kể từ ngày bị cơ quan Thi hành án dân sự TP.HCM tổ chức cưỡng chế trục xuất ra khỏi nhà, bà Mai vẫn chưa nhận được bất kỳ một cắc nào theo bản án số 319/DSPT và cũng không biết số vàng đó hiện đang nằm ở đâu. Trong khi đó, những người liên quan trực tiếp đến vụ án này: Bố con ông Trầm, ông Quế và ông Mừng đều đã chết. Điều này không rõ thi hành án TP.HCM và Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM có biết không? Nếu việc thi hành án là để thực thi công bằng pháp luật thì tại sao, sự bất công lớn đến thế lại không được ai để ý?

Được biết, trước khi ông Quế chết, ngày 25/3/2003 ông Quế đã kịp di chúc cho vợ ông là bà Huỳnh Thị Đủ trọn quyền hưởng phần thừa kế của ông do cha ông để lại đối với nhà số 3 Lam Sơn. Đến ngày 21/8/2003, bà Huỳnh Thị Đủ lại tiếp tục uỷ quyền cho bà Huỳnh Thị Muông đại diện trong việc thi hành án số 319/DSPT. Nhưng đến tháng 2/2007, bà Đủ chết.

Theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì khi bà Đủ chết, việc quan hệ đại diện theo ủy quyền được xác lập giữa bà Đủ và bà Muông tại hợp đồng uỷ quyền lập ngày 21/8/2003 coi như chấm dứt. Một khi quan hệ đại diện theo ủy quyền chấm dứt thì bà Muông không còn quyền đại diện nhận nhà. Thế nhưng, ngày 6/10/2008, bà Muông lại đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự TP.HCM cưỡng chế giao nhà cho ông Vũ Thành Công. Không biết vì lý do gì hay do đống vàng làm loá mắt mà bất chấp các quy định của pháp luật, lập tức hai ngày sau, ngày 8/10/2008, Thi hành án dân sự TP.HCM đã tổ chức lực lượng cưỡng chế trục xuất bà Mai ra khỏi nhà và giao nhà số 3 Lam Sơn cho ông Vũ Thành Công theo đề nghị của bà Huỳnh Thị Muông.

Đến nay thì ngôi nhà số 3 Lam Sơn đã được sang nhượng cho chủ mới là bà Đoàn Minh Hà. Bà Hà cũng đã được UBND Q.Phú Nhuận cấp Giấy chứng nhận QSHN&SDĐ số 1375/2009/UB.GCN vào ngày 20/7/2009. Trong khi các chủ sở hữu hợp pháp đã lần lượt qua đời, không còn người thừa kế theo di chúc, không có người thừa kế theo pháp luật, bà Muông cũng không còn tư cách đại diện theo uỷ quyền… Vậy ai là người nhân danh chủ sở hữu bán ngôi nhà số 3 Lam Sơn cho bà Đoàn Minh Hà? Căn cứ vào đâu để ngày 20/7/2009 UBND Q.Phú Nhuận cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho bà Hà là những câu hỏi rất cần sự vào cuộc của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM để điều tra làm rõ những tình tiết đầy uẩn khúc này.

Ở một diễn biến khác, bức xúc trước những việc làm khuất tất của cơ quan Thi hành án dân sự TP.HCM, bà Trần Thị Hoàng Mai đã làm đơn khiếu nại. Trong Quyết định giải quyết khiếu nại số 1222/QĐ-THA ngày 12/5/2009, Thi hành án dân sự TP.HCM như “đổ thêm dầu vào lửa” khi nhận định trái ngược cả với bản án số 319/DSPT rằng bà Mai là người mua nhà trái pháp luật. Đã vậy, trong quyết định giải quyết khiếu nại, Thi hành án dân sự TP.HCM đã cố tình lờ đi sự kiện bà Huỳnh Thị Đủ đã chết vào tháng 02/2007 mà cố “bắt bà” phải sống đến ngày 6/10/2008 để “chứng kiến” buổi cưỡng chế và xem “vở diễn” của Thi hành án dân sự TP.HCM cho xong. Còn bà Trần Thị Hoàng Mai có nhận được tiền vàng hay không đã có cơ quan Thi hành án “lo”. Đến đây, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Phải chăng việc “phù phép” bán nhà số 3 Lam Sơn và sang tên đổi chủ mới cho bà Đoàn Minh Hà là có sự “yểm trợ” đắc lực của Thi hành án dân sự TP.HCM?

Được biết, trước những “uẩn khúc” và có dấu hiệu oan sai trong vụ án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu TAND Tối cao báo cáo và đang xem xét để giải nỗi oan khuất cho bà Mai. Báo XD&PL sẽ theo dõi và thông tin đến bạn đọc những diễn biến mới nhất của vụ án.

Thi hành án dân sự TP.HCM làm trái pháp luật
Theo đơn bà Trần Thị Hoàng Mai trình bày, quyết định giải quyết khiếu nại của Trưởng Thi hành án dân sự TP.HCM là không đúng quy định của pháp luật, thậm chí còn nhận định trái ngược với bản án của Toà Phúc thẩm TANDTC. Bởi lẽ, bà là người mua nhà hoàn toàn đúng với các quy định của pháp luật. Khi lập thủ tục mua bán nhà có đầy đủ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu của người bán, giấy uỷ quyền. Việc mua bán có chứng thực của địa phương chứ không phải là mua bán trái pháp luật như nhận định của Thi hành án dân sự TP.HCM.
Việc ông Nguyễn Văn Quế uỷ quyền cho bà Huỳnh Thị Muông tham gia tố tụng là không hợp pháp, bởi tờ uỷ quyền không có chứng thực của Lãnh sự Việt Nam tại Bỉ. Ngày 25/3/2003, ông Quế lập di chúc cho bà Huỳnh Thị Đủ sau 3 tháng khi bản án 319/DSPT đã xét xử xong là điều bất hợp lý. Hơn nữa, ngày 21/8/2003, bà Huỳnh Thị Đủ ký hợp đồng uỷ quyền cho bà Huỳnh Thị Muông. Tháng 02/2007 bà Đủ chết nên hợp đồng uỷ quyền cho bà Muông hết hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, ngày 6/10/2008, bà Huỳnh Thị Muông lại đề nghị Thi hành án dân sự TP.HCM giao nhà cho ông Vũ Thành Công là việc làm trái pháp luật.
(Trích Công văn số 1056/TTCP-VP của Thanh tra Chính phủ gửi Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp).

http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/thi-hanh-an-dan-su-tphcm.html

Không có nhận xét nào :