6/11/19

Má Già


Lê Minh Chí

Đi bộ mỗi buổi chiều, mấy hôm nay tôi thỉnh thoảng gặp một bác hay đi ngược chiều, có vẻ mới đến sống ở khu đây. Tôi chỉ chào rồi đi, không nói chuyện. Hôm nay, thấy tôi, bác bước đến gần rồi hỏi nhỏ:

"Nhà cậu ở gần đây hả?"

Tôi dừng lại hỏi thăm.

"Dạ, nhà cháu đằng kia. Bác mới về ở đây ạ?"

"Tôi không sống ở khu này, sống ở trong housing (khu nhà chính phủ cho thuê giá rẻ), chính phủ cho tiền già cũng đủ sống. Đây là nhà của con gái tôi." Bác chỉ vào căn nhà sau lưng, rồi nói thêm:

"Nó bảo tôi trả nhà cho chính phủ, về ở với nó, nhưng tôi không muốn. Lỡ như nó giận lên, tôi còn có chỗ để về."

Hỏi thêm vài câu, tôi biết bác 90 tuổi, ông xã đã mất 40 năm trước, khi còn ở Việt Nam. Bác có 5 người con, người con trai lớn bảo lãnh bác qua Mỹ năm 1991, nhưng bác nói, không ở chung được với ai.

"Tôi buồn lắm, phải chi ổng còn sống, 2 người hủ hỉ, tôi không phải lo như vậy. Nó lo cho con nó là đúng, nhưng tôi vẫn thấy buồn. Tôi chỉ sợ mình nằm một chỗ không ai lo."

Tôi an ủi:

"Ai cũng có lúc phải sống cô đơn, bác cố gắng giữ gìn sức khoẻ như vầy là tốt rồi."

Rồi, tôi nghe giọng của người con gái trong nhà vọng ra:

"Má à trời lạnh lắm đó!"

Tôi tiếp tục đi bộ, nhưng cảm thấy, trời hôm nay lạnh lẽo quá.


---
Cám ơn các bạn đã đọc và bình luận câu chuyện thật này. Đây chỉ là hoàn cảnh của một gia đình, không phải tất cả. Phía sau hoàn cảnh đó, là do thiếu xót trong cư xử (có thể từ cả hai phía), không phải ý định, bởi vì cả hai phía, lúc nào cũng yêu thương lo lắng cho nhau. Cư xử phụ thuộc vào trạng thái tâm lý, kinh nghiệm sống cá nhân, và sự thấu hiểu. Riêng ở Mỹ, ông bà, thậm chí cha mẹ vẫn còn có khoảng cách ngôn ngữ, văn hoá với cháu, con. Đó là thứ không thể sang bằng nếu không có sự cố gắng từ mọi phía.

Tất cả các yếu tố đó là những thứ, mà người giàu hay chưa giàu, thành đạt hay chưa thành đạt, phải chú ý học hỏi hàng ngày, nhưng đôi khi, vì tất bật trong cuộc sống, chúng ta quên. Hy vọng đây là ý kiến tích cực cho tất cả chúng ta.

Không có nhận xét nào :